1
Bạn cần hỗ trợ?
  • Call Us 096 615 5159
  • ductuynh1976@yahoo.com
  • 193 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM

PHẪU THUẬT ĐỘN CẰM, NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN CHÚ Ý

Quyên Thẩm mỹ khuôn mặt Đăng ngày - 06/08/2021

Nói về phẫu thuật thẩm mỹ cải thiện dáng khuân mặt, người ta thường nghĩ ngay tới phẫu thuật nâng mũi, bởi vì nó mang lại hình ảnh gương mặt mới thẩm mỹ hơn một cách rõ rệt, nhanh chóng và lâu dài. Thực tế thì thẩm mỹ cằm cũng đóng vai trò quan trọng không kém gì mũi trong việc quyết định hình hài vóc dáng khuân mặt, nhất là với gương mặt Á Đông như người Việt Nam ta. Hơn nữa, cằm còn là một trong những mốc giải phẫu quan trọng để phân tích nhân trắc khuân mặt, là mốc ranh giới quan trọng để đánh giá các tỷ lệ của gương mặt; ngay cả với phẫu thuật nâng mũi, kéo dài đầu mũi, tạo hình đầu mũi thì người ta cũng phải dựa vào mốc quan trọng là điểm dưới và điểm nhô nhất của cằm. Với những lý do như vậy, cho nên phẫu thuật thẩm mỹ cằm cần phải được coi trọng và ưu tiên trước so với các phẫu thuật thẩm mỹ cải thiện dáng mặt khác như nâng mũi hay thẩm mỹ môi miệng. 

Phâũ thuật độn cằm, là một trong những hình thức thẩm mỹ cải thiện dáng khuân mặt một cách bền vững lâu dài, bằng cách độn thêm chất liệu nhân tạo để tăng độ dài và độ nhô của xương cằm. Đó là về lý thuyết, còn thực tế cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm để cho hiệu quả của ca phẫu được thiết thực hơn, giá trị của quyết định nâng cằm được cụ thể hơn, hài lòng hơn và thẩm mỹ hơn. Do vậy chúng tôi viết bài này với mong muốn đồng nghiệp cũng như bạn đọc muốn chỉnh sửa cằm có thể hạnh phúc hơn với quyết định của mình. 

1. Chất liệu độn cằm nhân tạo là gì?

Phẫu thuật độn cằm là phẫu thuật làm tăng độ nhô và độ dài của xương cằm bằng cách gia cố thêm chất liệu vào xương cằm. Nhờ vậy người được độn cằm sẽ có dáng vẻ bề ngoài của cằm thay đổi theo chủ ý và theo thiết kế từ trước.

Như vậy phải cần chất liệu để gia cố thêm cho xương cằm. Hiện nay hai loại chất liệu hay được sử dụng nhất và sử dụng an toàn đó chính là Silicone y tế và EPTFE. Giống như phẫu thuật nâng mũi hay độn thái dương vậy, hai loại chất liệu này đã được sử dụng vào cơ thể người rất nhiều năm và chứng tỏ tính tương tích cao, an toàn và đạt hiệu quả thẩm mỹ.

Hiện nay mỗi loại này lại có những sản phẩm khác nhau, hình dáng và kích thước khác nhau. Quan trọng bậc nhất ở phần này chính là khả năng thiết kế và điêu khắc chất liệu độn sao cho vừa khít với phần xương cằm vốn có, khi phẫu thuật đặt vào sẽ đạt hiệu quả thẩm mỹ mà còn bền vững lâu dài.

2. Chọn đường mổ độn cằm: có sẹo hay không sẹo?

Thực tế có hai đường mổ độn cằm phổ biến là đường trong miệng và đường mổ dưới cằm, đều là những đường mổ có khả năng dấu sẹo thẩm mỹ tốt.

Đường mổ dưới cằm là đường cắt da ngang phía dưới của xương cằm, sau khi đặt xong chất liệu độn để tạo được cằm đẹp và dài thì bác sĩ sẽ khâu lại đường mổ này lại bằng chỉ thẩm mỹ. Độ dài ước lượng chừng 1-1,5cm, sẹo đẹp và mảnh lại nấp sau cằm cho nên không hề lộ, chỉ khi ngửa mặt lên thì thấy vết mờ nhỏ ngang cằm. Ưu điểm của đường mổ này là vấn đề hậu phẫu, không ảnh hưởng tới hoạt động ăn uống và nói cười.

Đường mổ trong miệng là đường cắt niêm mạc miệng, ngay trước dưới của cung răng hàm dưới, dài chừng 1,5cm. Qua đây chất liệu độn được đưa vào đẩy cằm nhô ra trước và tạo cằm dài xuống dưới. Vết mổ được khâu lại bằng chỉ tiêu chậm, có thể cắt chỉ hoặc không cần cắt chỉ. Sau khi lành thương, không để lại vết tích gì trên da, cho nên gọi là độn cằm không sẹo. Chú ý cho đường phẫu thuật này là chăm sóc khoang miệng sau khi phẫu thuật. Cần hạn chế ăn uống và vận động nhiều môi dưới, cần súc miệng và vệ sinh răng miệng thường xuyên, tránh đánh răng hàm dưới trong thời gian 2 tuần, và phải dùng kháng sinh đầy đủ.

3. Độn cằm có vĩnh viễn không?

Về lý thuyết thì không có gì là mãi mãi, tuy nhiên sự tồn tại của chất liệu độn luôn là vĩnh viễn.

Khi chất liệu độn đã ổn định vào cơ thể thì giá trị sử dụng bền vững rất lâu dài. Người ta thường quan tâm sự lắng đọng canxi vào lớp bao xung quanh chất liệu độn sau 10-15 năm, tuy nhiên đây là sự gia cố thêm cho xương nên sự lắng đọng canxi không gây vấn đề gì rắc rối.

Mặt khác, tổ chức mô mềm vùng cằm cũng rất dày như da và cơ vùng cằm, cho nên khả năng lộ chất liệu sau nhiều năm là rất hiếm. Sau nhiều năm, sử dụng, sự biến đổi khung xương vốn có của cơ thể theo tuổi tác nên nhiều chị em muốn thay chất liệu cho phù hợp với dáng mặt. Mặc dù vậy, khuyến cáo khám định kỳ kiểm tra hàng năm hoặc khám cằm mỗi khi thấy dấu hiệu bất thường là cần thiết để đảm bảo an toàn và sức khoẻ lâu dài.

4. Những ai nên độn cằm?

Theo phân tích chuẩn của khung xương mặt theo chiều nhìn thẳng trước sau: gương mặt được chia làm 3 tầng bằng nhau: Phần tầng dưới tính từ chân mũi tới điểm thấp nhất của cằm là 1/3 gương mặt. Trong tầng dưới gương mặt này lại chia làm hai phần, phần môi dưới cằm chiếm 2/3 tầng dưới khuôn mặt thì được gọi là kích thước chuẩn về chiều dài. Những người có chiều dài cằm thiếu thì sẽ ảnh hưởng tới tỉ lệ trên, nếu thực sự thiếu hụt nhiều và mong muốn cải thiện thì đó là chỉ định độn cằm tăng chiều dài cằm.

Phân tích gương mặt theo hình chiếu trên, tức là nhìn ngang bên phải qua bên trái hoặc ngược lại. Gương mặt chuẩn sẽ có điểm nhô nhất của cằm bằng với điểm gốc mũi theo đường kẻ chuẩn là phương thẳng đứng. Những người cằm thiếu là độ nhô của cằm nằm sau đường kẻ này. Nếu cằm thiếu độ nhô nhiều và mong muốn cải thiện thẩm mỹ thì tiến hành phẫu thuật độn cằm để tăng độ nhô ra trước.

Thực tế, đa số những người thiếu cằm thì thường cần tăng cả độ dài và độ nhô. Do vậy bác sĩ cần điêu khắc chất liệu độn thêm sao cho phù hợp với mục tiêu thẩm mỹ của từng người.

5. Quá trình độn cằm diễn ra như thế nào?

  • Đây là một tiểu phẫu thuật, có thể tiến hành phẫu thuật độn cằm dưới hình thức vô cảm là gây tê tại chỗ hoặc gây ngủ nhẹ. Khi phương pháp vô cảm đạt hiệu quả thì sẽ mất cảm giác đau, và bác sĩ tiến hành phẫu thuật.
  • Sát khuẩn chống nhiễm trùng kỹ càng, trải toan che phủ vùng phẫu thuật
  • Cắt da 1-1,5cm theo thiết kế ban đầu, tách tổ chức ra và đặt chất liệu đã điêu khắc ôm trọn lấy xương cằm.
  • Khâu lại vết cắt da, băng lại vết thương và kết thúc ca phẫu thuật
  • Vì phẫu thuật nhẹ nhàng cho nên bệnh nhân được chuyển chế độ điều trị ngoại trú ngay sau phẫu thuật tầm 2-3 h. Uống thuốc tại nhà, hướng dẫn thay băng hàng ngày và vệ sinh răng miệng đầy đủ.

6. Độn cằm có đau không?

Nhiều chị em sợ đau lắm, tiêm còn sợ nói gì phẫu thuật. Phẫu thuật  mà nói là không đau thì không đúng, tuy nhiên cái đau như thế nào? Bác sĩ xin mô tả lại chi tiết để chị em yên tâm

Trước khi phẫu thuật, bác sĩ phải dùng phương pháp vô cảm tức là loại bỏ cảm giác đau. Nếu dịch vụ vô cảm được lựa chọn là gây tê tại chỗ thì sẽ có những mũi tiêm đầu tiên vào vùng cằm mà có thể cảm nhận được nó “nhốt” và hơi buốt buốt khi thuốc tê đi vào. Chỉ sau vài giây thuốc tê ngấm thì sẽ không cảm giác buốt nữa, sẽ thấy bì bì dưới da. Cứ như vậy khoảng 3-4 mũi tiêm là toàn bộ vùng cằm trở nên không có cảm giác đau, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật, khách hàng tỉnh nhưng không đau gì.

Nếu dịch vụ lựa chọn là gây ngủ thì bệnh nhân sẽ ngủ lúc vào phòng phẫu, bác sĩ tiêm thêm thuốc tê cũng không có cảm giác nhốt hay buốt gì, sau đó phẫu thuật được thực hiện mà không có cảm giác đau.

Sau khi phẫu thuật, nguyên tắc sử dụng thuốc giảm đau chủ động được thực hiện. Tức là uống thuốc theo giờ, không chờ đau đến. Thuốc giảm đau sẽ được bác sĩ hướng dẫn cho sử dụng 2-3 ngày sau phẫu thuật. Phẫu thuật độn cằm không phải phẫu thuật lớn, cho nên lượng thuốc giảm đau cũng chỉ nên sử dụng ở cấp độ nhẹ.

7. Độn cằm có lộ không?

Nhiều chị em ngại người ta biết đi làm thẩm mỹ, sợ bạn bè, cơ quan, đồng nghiệp, gia đình đàm tiếu, cho nên rất quan tâm xem độn cằm có lộ không.

Phân tích khía cạnh sẹo phẫu thuật thì ở trên đã rõ, không lộ mà nếu ngại lộ thì ta chọn đường sẹo trong miệng.

Phân tích về khía cạnh sưng bầm thì đây là phẫu thuật vùng mặt, dễ sưng hơn và khó dấu hơn các vùng khác. Nếu chỉ sưng đơn thuần thì sẽ hết trong vòng 2-3 ngày, nếu mà sưng bầm tím do có đọng dịch máu thì thời gian hết sưng sẽ lâu hơn (khoảng 1 tuần hoặc có thể hơn).

Do vậy trong phẫu thuật phải rất cẩn thận, sau phẫu thuật cần băng ép 3-5 ngày thì sẽ rất tốt để cố định chất liệu và cũng để chống sưng bầm.

Như vậy vấn đề lộ hay không? Hãy dành 2-3 ngày để hạn chế tiếp xúc, sau khoảng 1 tuần thì mọi người chỉ thấy khác khác chứ khó nhận ra khác do nguyên nhân gì.

8. Chăm sóc sau độn cằm như thế nào?

Nhằm mục tiêu ổn định vị trí chất liệu độn cằm thì băng ép liên tục được khuyến cáo 3-5 ngày sau phẫu thuật, sau đó chỉ băng khi đi ngủ hay khi vận động mạnh khoảng 3 tuần là tốt nhất. Điều này rất dễ bởi kỹ thuật băng không quá khó, chỉ cần hướng dẫn là mọi người đều có thể tự thực hiện được tại nhà.

Chăm sóc vết thương với đường mổ dưới cằm thì như các vết thương phẫu bình thường khác, thay băng hàng ngày và cắt chỉ sau 7 ngày.

Chăm sóc vết thương trong khoang miệng thì chỉ cần súc miệng nước muối sinh lý, nước súc miệng betadine hay listerine ngày 5 -6 lần để tránh viêm nhiễm vết thương trong miệng. 1-2 ngày đầu nên thực hiện ăn đồ ăn mềm bằng ống hút hoặc ăn nhẹ nhàng để hạn chế nhai mạnh. Sau 7 ngày có thể cắt chỉ trong miệng hoặc tăng cường súc miệng để chỉ tự tiêu.

 

9. Độn cằm xong - không thích thì tháo ra có ảnh hưởng gì không?

Cũng như phẫu thuật tạo khoang độn cằm, về cơ bản thì không xâm lần nhiều tổ chức mô quan trọng như mạch máu, thần kinh, cơ. Khi tháo chất liệu độn cằm ra cũng vậy, không đụng chạm nhiều mô chức năng của cơ thể; điểm kahcs là nó sẽ nhẹ nhàng và nha gọn hơn rất nhiều. 

Sau khi tháo miếng độn cằm ra, sẽ để lại một khoang rỗng giữa mô mềm của cằm và xương cằm, do vậy cần băng ép chặt trong thời gian mô mềm co lại nhằm hạn chế đọng dịch ở khăng đặt chất liệu. Những phẫu thuật viên cẩn thận sẽ tiến hành bóc lớp bao xơ quanh chất liệu độn hoặc cắt mở bao xơ này; như vậy giúp cho quá trình hồi phục sau tháo chất liệu nhanh hơn và an toàn hơn. 

Sau tháo chất liệu độn cằm đi thì hình dáng cằm sẽ dần trở về như cũ, như trước khi độn cằm mà không ảnh hưởng gì chức năng cũng như di chứng gì ở vùng cằm. Tuy nhiên đa số những người đã độn cằm sẽ không thể chịu được với hình ảnh cằm mới vừa lẹm vừa ngắn vừa nhỏ và thiếu đường nét. Cho nên phẫu thuật thay chất liệu cằm mới thường được lựa chọn. 

Giải pháp là thay chất liệu cằm mới bằng việc tạo một khoang đặt chất liệu mới và đặt lại theo mong muốn của khác hàng; hãy chú ý điều này trước khi quyết định sửa lại cằm hay có ý định tháo chất liệu độn cằm bạn đọc nhé. Hãy giả thiết tháo ra bạn sẽ cần đặt lại, vậy khi đặt lại thì bạn mong muốn gì? chiều cao, độ dài, độ to và hình dáng cằm mới ra sao? ít còn hơn không có đấy!

Một giải pháp nữa mà nhiều bạn quan tâm sau tháo chất liệu độn cằm đó là tiêm chất làm đầy và cằm; hãy chú ý tối đa đến bản chất của sản phẩm filler mà bạn sử dụng, nhà sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, thời hạn sử dụng ... đa số các Hyaluronic Acid đang lưu hành ở Việt Nam một cách chính thống đều có đủ tiêu chuẩn an toàn, nguồn gốc xuất xứ và giấy phép nhập khẩu. Kỹ thuật tiêm chất làm đầy cũng vô cùng quan trọng sau khi tháo độn cằm; người tiêm cần tránh tối đa việc bơm filler vào khoang độn cằm, bởi vì bơm vào đây là vùng không có mô, không có mạch, cho nên hiệu quả giữ nước của HA, hiệu ứng hòa hợp mô là không có, chỉ có nguy cơ gây nên một nang Filler mà thôi. Hãy tiêm bơm rải đều HA vào mô mêm dưới da cằm để đảm bảo hiệu quả, hãy đợi cho đến khi cằm co hồi tối đa - không còn khoảng không trước xương cằm nữa thì hãy bơm rải filler cằm thì tránh được tối đa nguy cơ tác dụng không mong muốn. 

10. Những chú ý sinh hoạt trong tháng đầu sau phẫu thuật độn cằm

Vết thương trong phẫu thuật độn cằm thường nằm trong tiền đình miệng, tức là nó nằm phía dưới trong của môi dưới. Ngoài những vấn đề liên quan vệ sinh - chống viêm nhiễm vết thương sau phẫu thuật như bao vết thương khác, thì vấn đề tác động cơ học lên vùng vết thương cũng cần được quan tâm đúng mực ở phẫu thuật độn cằm.  

Bởi vì miệng, môi dưới là một phần cơ quan vận động nhiều và vận động hàng ngày cho nên những yếu tố tác động cơ học lên vùng vết thương cần được quan tâm. Theo tiến triển bình thường của vết thương, theo tư duy logic của vấn đề chỉ khâu vết thương thì thời gian 3-4 tuần là thời gian quan trọng mà chúng ta quan tâm đặc biệt hơn. Đó là thời gian để vết thương liền khá chắc, do vậy trong thời gian này những hoạt động tác động lực vào vùng môi dưới cần được hạn chế, tránh. Những hoạt động có thể có trong sinh hoạt hàng ngày mà tác động lực vào môi dưới như: đánh răng, hôn, thổi, cười ... là những hoạt động cần chú ý đẻ giữ cho kết quả độn cằm được tốt nhất. 

Dr. TUYNH

Bình luận