1
Bạn cần hỗ trợ?
  • Call Us 096 615 5159
  • ductuynh1976@yahoo.com
  • 193 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM

Những chú ý quan trọng về băng - nẹp mũi sau phẫu thuật nâng mũi

Quyên Thẩm mỹ khuôn mặt Đăng ngày - 18/11/2021

Cử Nhân. Quách Ngọc Thúy; Bác sĩ. Phan Tuynh

[Dr.Tuynh] Dịch vụ phẫu thuật nâng mũi đã trở thành dịch vụ thẩm mỹ thường thấy ở Việt Nam, bởi nó mang lại sự cải thiện thẩm mỹ - tướng mạo một cách rõ rệt nhất cho khuân mặt người Á Đông. Nâng mũi được chấp nhận và yêu thích cho cả nam và nữ, trong đó nữ giới đi nâng mũi ngày một nhiều.

Bên cạnh những giá trị cải thiện thẩm mỹ mà nâng mũi mang lại, nhất là nâng mũi dáng S-line, thì còn có tỉ lệ mũi bị biến chứng hoặc giá trị thẩm mỹ không được như ý muốn. Đặc biệt với những ca mũi dựng trụ quá cao hoặc nâng sống mũi kiểu L-line cao ngất.

Người ta đã có rất nhiều hướng dẫn, khuyến cáo về lựa chọn kỹ thuật nâng mũi cấu trúc hay không cấu trúc, dựng trụ hay không dựng trụ, bọc sụn tai hay không bọc sụn tai… rồi lựa chọn các loại chất liệu nâng mũi cao cấp nhất, tân tiến nhất… chủ yếu để làm tăng giá trị thẩm mỹ - tăng tính an toàn cho phẫu thuật nâng mũi.

Một yếu tố quan trọng nữa cũng đang được chú trọng của hầu hết những người tham gia nâng mũi đó là chăm sóc sau phẫu thuật. Với khách hàng được nâng mũi thì hiểu và thực hành theo đúng hướng dẫn đã là rất quan trọng. Chúng tôi mong muốn tất cả các bạn chuẩn bị nâng mũi, vừa nâng mũi xong hoặc có cơ hội giúp người khác đi nâng mũi thì có thể hiểu được hết bản chất vấn đề về bảo vệ mũi sau nâng, hạn chế tối đa những tiến triển không đáng có sau phẫu thuật nâng mũi.

Tại sao phải bảo vệ mũi sau phẫu thuật nâng mũi?

Trong quá trình nâng mũi, bác sĩ tạo khoang để nâng mũi bằng cách nâng da lên khỏi các lớp phía dưới như xương hay sụn. Nguyên bản khoang này đã có nguy cơ đọng dịch và cũng khá lỏng lẻo. Sau đó chất liệu để nâng mũi như Silicone, ePTFE (Pureform, Surgiform…), Megaderm, sụn sườn… được đúc thành dáng mũi mới và độn dưới lớp da vừa được bóc tách.

Quá trình lành thương và phục hồi sau phẫu thuật nâng mũi chính là quá trình lành thương và ổn định của chất liệu độn này với các cấu trúc da xương sụn của mũi. Nhờ vậy tạo được dáng mũi mới theo ý muốn. Trong giai đoạn lành thương này, vị trí chất liệu chưa chắc chắn, nên có nguy cơ bị xô đẩy, di lệch sang hai bên hoặc tụt xuống dưới… Kết quả là tạo nên một dáng mũi không được thẩm mỹ lắm hoặc có thể là hỏng mũi. Vì lý do đó, băng cố định mũi – nẹp mũi là thủ thuật bắt buộc sau phẫu thuật, cốt yếu để giữ dáng mũi như ý đồ của phẫu thuật viên.

Mục tiêu duy trì vị trí chất liệu nâng mũi đúng ý đồ của phẫu thuật viên

Sống mũi phải ôm khít với phần xương – sụn mũi vốn có. Phải cân xứng và hài hòa với mũi nói riêng và với toàn khuân mặt nói chung. Nhờ vậy tạo nên được một dáng mũi đẹp với chiều dài mũi chiếm 1/3 giữa khuân mặt, các góc đầu mũi, góc mũi môi, góc mũi trán đúng chuẩn hài hòa như lý thuyết; trụ mũi cân đối, hai bên lỗ mũi đều, chiều ngang mũi và kích thước hai cánh mũi hài hòa gương mặt.

Như vậy trong phẫu thuật bác sĩ sẽ đặt sụn theo mục tiêu đó và sau phẫu thuật chúng ta cũng duy trì theo mục tiêu đó – là nhờ băng nẹp và những vấn đề liên quan đến bảo vệ mũi sau phẫu thuật.

Băng - nẹp mũi được thực hiện như thế nào?

Băng dính mũi chuyên dụng là loại băng dính màu vàng nhạt như màu da, để đảm bảo vấn đề thẩm mỹ chung; băng ít khi kích ứng da nhưng lại có giá trị dính da rất tốt, băng dính có tác dụng giúp da ôm sát vào chất liệu nâng mũi và nhờ vậy băng dính cũng giữ cho sụn nâng mũi nằm im đúng theo vị trí theo đúng thiết kế của bác sĩ phẫu thuật.

Nẹp mũi là phần nhựa cứng có thể biến dạng với nhiệt, nhựa cứng ôm sát lớp ngoài của băng dính, như là lớp áo giáp bảo vệ mũi không bị tác động bởi các loại lực va đập. Cuộc sống sinh hoạt – làm việc – ngủ - yêu thương… đều có thể có nguy cơ tác động va đập vào mũi. Những ngày mới mổ tránh sao được nguy cơ tổn thương, do vậy bang nẹp là điều cần thiết để giảm thiểu nguy cơ.

Bảo vệ băng nẹp mũi sau phẫu thuật nâng mũi như thế nào?

  • Thứ nhất: Không làm ẩm ướt, hay cho nước vào vùng băng nẹp mũi.
  • Thứ hai: Không sờ tay mạnh hay lắc vào vùng đầu mũi, sống mũi, gốc mũi.
  • Thứ ba: Khi đi ngủ chú ý kê gối êm hai bên mặt, tránh nằm nghiêng có thể gây tì đè vào mũi.
  • Thứ tư: khi bế trẻ nhỏ như con hay cháu, chú ý trẻ âu yêm hay vô tình đập vào mũi.
  • Thứ năm: Không chạy nhảy hay vận động quá mạnh, có thể gây tác động lực vào sụn nâng mũi.
  • Thứ sáu: không tự ý gỡ bỏ băng nẹp mũi, hãy đến bác sĩ tái khám và tháo nẹp theo đúng chỉ định chuyên môn.
  • Thứ bảy: giữ vệ sinh vùng mũi nói chung, vùng hai lỗ mũi nói riêng.
  • Thứ tám: phải tuân thủ chế độ thuốc điều trị theo đúng liều thuốc uống, uống thuốc đúng giờ.

Băng nẹp mũi nên được duy trì trong bao lâu?

Tùy theo ca phẫu thuật mà thời gian duy trì băng nẹp mũi cũng có sự biến đổi. Thông thường người ta duy trì thời gian băng nẹp mũi từ 5-7 ngày để các phần vết thương tương đối liền tốt.

Một số trường hợp, sau 5-7 ngày bác sĩ thấy cần thiết băng thêm để giữ và chỉnh dáng mũi thì sẽ cho tăng cường thêm thời gian băng nẹp.

Một số trường hợp, do đặc điểm trong khi phẫu thuật, bác sĩ thấy chỉ cần băng mũi đơn thuần chứ không cần nẹp, hoặc chỉ cần bang nẹp duy trì thời gian 2-3 ngày là đủ… tất cả là do sự đánh giá theo từng ca và cũng tùy theo quan điểm của bác sĩ.

Tháo băng nẹp mũi

Đây là vấn đề của nhưng người làm chuyên môn, nhưng bệnh nhân, khách hàng thì cũng nên hiểu để biết và chủ động đón nhận khi đi tháo nẹp tháo băng mũi.

Nói tháo thì rất dễ dàng, nhưng thực tế cũng cần vài điểm chú ý chuyên môn như: độ dính của nẹp nhựa, độ dính của băng dán mũi vào da, hướng đi của băng dính, kỹ thuật băng dính khác nhau… cho nên không phải khi nào cũng dễ dàng.

Yêu cầu của tháo băng nẹp lại là rất nhẹ nhàng, hạn chế tối đa đụng chạm lực tới sụn nâng mũi hay nâng da mũi lên một cách thái quá. Vậy nên cần phải từ tốn, cần phải có thời gian, cần phải nhẹ nhàng… là bệnh nhân thì cũng nên hiểu để các chuyên viên tự tin – bình tĩnh tháo nẹp mũi cho bạn.

Miếng nhựa dính, có đặc điểm đáp ứng nhiệt tốt, cho nên có thể đắp miếng gạc hơi ấm hoặc cho phun sương hơi ấm một lúc tầm 10 phút, sau đó tháo sẽ dễ dàng, do nhựa mềm ra và dễ bóc.

Những miếng băng dính vào da, hãy chú ý nhẹ nhàng tách da ra khỏi băng dính, theo đúng chiều băng, tháo đều hai bên tránh gây dịch chuyển lực kéo sang một phía quá mạnh.

Sau khi tháo hết băng dính và nhựa nẹp mũi, hãy vệ sinh mũi, mời bác sĩ kiểm tra và đánh giá tiến triển của sự bình phục.

Nói tóm lại, chỉ vấn đề nhỏ như là băng nẹp mũi sau phẫu thuật nâng mũi, chúng ta cũng cần phân tích và tìm hiểu kỹ càng để mang lại hiệu quả tối đa nhất, an toàn nhất cho từng ca nâng mũi. Chúc các bạn có được kết quả thẩm mỹ mũi như ý!

Trên đây là những chia sẻ của Bác sĩ Tuynh về vấn đề Bảo vệ mũi sau nâng bằng băng nẹp mũi.

Fanpage Facebook: Bác sĩ Phan Tuynh (https://www.facebook.com/Dr.Phantuynh)

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCGyUm2DGpejIX7gbbofoczw

Bình luận