1
Bạn cần hỗ trợ?
  • Call Us 096 615 5159
  • ductuynh1976@yahoo.com
  • 193 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM

Người đi nâng mũi nhất định phải biết: Cách chăm sóc mũi

Quyên Thẩm mỹ khuôn mặt Đăng ngày - 18/11/2021

Cử nhân. Quách Ngọc Thúy; Bác sĩ. Phan Tuynh

Chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật nâng mũi là một chủ đề mà bất kỳ khách hàng nào sau khi sử dụng dịch vụ đều quan tâm. Làm sao để chăm sóc đúng, chăm sóc đủ và hậu phẫu tốt để có kết quả một dáng mũi đẹp tự nhiên và thanh thoát nhưng vẫn đảm bảo an toàn bền vững. Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Nâng mũi có gây mê phải được thực hiện tại bệnh viện

Trước hết, chúng ta cần hiểu về Phẫu Thuật Nâng Mũi; Nâng mũi là một phương pháp nhằm cải thiện các tình trạng như mũi thấp bẩm sinh, đầu mũi ngắn tẹt, cánh mũi bè, lỗ mũi to, sống mũi thấp gồ hoặc lệch vẹo,… để có được mũi mới đẹp hơn, thẩm mỹ hơn, thanh thoát hơn. Người ta có nhiều phương pháp thẩm mỹ mũi có phẫu thuật và nâng mũi không phẫu thuật.

Nâng mũi không phẫu thuật tức là không có cắt hay khâu vào da vùng mũi, các phương pháp phổ biến hiện nay như “tiêm chất làm đầy vào dưới da vùng mũi – còn gọi là tiêm filler mũi”, nâng mũi bằng cách đặt các sợi chỉ phẫu thuật vào dưới da mũi để làm đầy mô da cao hơn. Nhưng phương pháp này căn bản là không cần lo về chăm sóc, không lo những phiền phức như phẫu thuật nhưng các giá trị cốt lõi của thẩm mỹ là cải thiện dáng mũi và an toàn lâu dài thì không thể so được với phẫu thuật nâng mũi.

Phẫu thuật nâng mũi tức là cần phải có cắt – khâu – có tạo hình lại dáng mũi một cách căn bản từ các lớp dưới da mũi, qua đó tạo được kết quả thẩm mỹ tốt hơn: dáng mũi cao hơn, tạo dáng mũi Sline hay dáng mũi L line, mũi cao tây hay mũi Á Đông, đầu mũi cao dài và hợp lý hơn…

Về kỹ thuật phẫu thuật thì có sự biến đổi phong phú nhằm cải thiện những yếu điểm của từng ca mũi cụ thể, đưa về với một đích chung đó là mũi chuẩn đẹp hài hòa – phù hợp với từng người – và phải an toàn.

Về chất liệu ghép để tạo hình dáng mới cho mũi thì cũng rất đa dạng; người ta có thể dùng sụn tự thân như sụn vành tai, sụn vách ngăn mũi, sụn sườn hoặc cân tự thân, mô tự thân… cũng có thể dùng các chất liệu ghép nhân tạo như chất liệu Silicone y tế (silicone Hàn Quốc, Silicone Mỹ…), Silicone mềm – silicone cứng – silicone pha trộn cứng và mềm; cũng có khi dùng chất liệu nâng mũi cao cấp như ePTFE (surgiform, Pureform…). Các loại mô cứng như Medpor, surpor, T Mesh, hay các loại mềm như Megaderm… Dù là kỹ thuật nào, chất liệu gì thì cũng cần sự điêu khắc tinh tế, thao tác tỉ mỉ cẩn thận để tạo dựng các cấu trúc mũi mới, tạo khoang sao cho vừa khít với chất liệu ghép, tạo dáng mũi như mong muốn (Sline, L line, cao vừa phải hay cao nhiều).

Về đường phẫu thuật thì chỉ với một đường mổ giấu kín đáo thường nằm trong lỗ mũi (một số trường hợp mổ mở thì có thể có vết khâu nhỏ giữa trụ mũi); tuy đường phẫu nhỏ và kín đáo nhưng cũng cần chú ý để cho kết quả lâu dài không hề lộ sẹo, đó mới gọi là phẫu thuật nâng mũi thẩm mỹ. Bài viết này chũng tôi tập trung giới thiệu những điểm chú ý quan trọng trong chăm sóc sau phẫu thuật nâng mũi nhằm tối ưu hóa kết quả nâng mũi cho mọi người.

Vấn đề băng ép và nẹp mũi sau phẫu thuật

Sau khi đóng vết mổ bằng những đường khâu khéo léo, bác sĩ sẽ cố định và băng ép vùng mũi của khách hàng.

Những miếng băng dính chuyên dụng giúp cho da mũi ôm sát chất liệu tạo hình mũi ở bên dưới; nhờ vậy hạn chế sự di lệch của mũi sau phẫu thuật đồng thời giúp ép, chống tụ dịch và sưng phù vùng mũi phẫu thuật.

Hơn nữa, bác sĩ còn cẩn thận dùng một thanh nẹp nhựa cứng chuyên dụng để ép phía ngoài băng dính, nhằm tăng cường khả năng bảo vệ cho chất liệu mũi cũng như chống được sự va đập từ bên ngoài. Chúng ta cần tôn trọng và giữ gìn, không nên tự động đụng chạm hay lắc mạnh đến vùng băng mũi. Bác sĩ sẽ cho duy trì băng nẹp 5-7 ngày sau phẫu thuật, cho dù có ngứa ngáy đôi chút thì cũng nên khắc phục để đảm bảo an toàn cho mũi sau nâng. Băng nẹp mũi sẽ được chuyên viên chăm sóc sau mổ hoặc bác sĩ phẫu thuật tháo bỏ kiểm tra theo hẹn, vậy nên hãy tôn trọng đặc biệt với những phần băng nẹp mũi sau mổ bạn nhé.

Về vấn đề sưng phù vùng mũi sau phẫu thuật.

Những ngày đầu sau phẫu thuật, có thể xuất hiện hiện tượng sưng tím khu trú quanh mũi, lúc đầu thường xanh tím sau chuyển sang màu vàng rồi mới tan hết.

Vết mổ có thể thấm dịch hồng sau mổ ngày đầu tiên, bạn chỉ cần dùng gạc vô trùng thấm, nhớ là dịch hồng nhé – nếu là đỏ tươi và đậm đặc thì tức là không bình thường (Bạn cần báo bác sĩ và ép gạc chặt để trở lại tái khám ngay).

Vài ngày sau, nếu bạn thấy sưng tím nhiều, tức là còn đọng dịch nhiều, bạn nên quay lại thăm khám ngay để bác sĩ thực hiện quy trình hút dịch và kiểm tra kịp thời, giúp tránh bầm và nhanh hồi phục hơn. Đa số các ca phẫu thuật nâng mũi, sự can thiệp vào vùng mũi, xương mũi thì ít nhiều cũng gây sưng phù vùng hốc mắt hai bên, đó là do vùng hốc mắt trũng hơn và nhiều tổ chức lỏng lẻo; thật may mắn là hốc mắt nhanh sưng nhưng cũng nhanh hết, cho nên bạn cần đeo kính mát một số ngày nếu ngại sưng nề.

Chúng tôi khuyến cáo đồng nghiệp phẫu thuật cẩn thận tránh tụ dịch trong lúc phẫu, nặn sạch dịch trước khi khép da vết thương, hút dịch sau phẫu và sau 1-2 ngày để giảm nguy cơ sưng bầm sau nâng mũi. Thuốc chống sưng, chống phù nền, kháng sinh chống viêm cũng khuyến cáo dùng tích cực và chuẩn chỉ liều lượng – giờ giấc để tránh những biến chứng không đáng có của sưng bầm.

Quy trình chườm mát 1-3 ngày sau mổ vào vùng sống mũi cũng được khuyến cáo sử dụng, đây là thủ thuật dễ thực hiện và đem lại hiệu quả phòng sưng bầm rất tốt, mỗi người sau nâng mũi nên tranh thủ tìm hiểu để áp dụng cho hiệu quả. Thuốc tiêu huyết có thể được chỉ định dùng nhưng thường sau 2-3 ngày, không nên dùng ngay từ ngày đầu sau mổ.

Đối với khách hàng sử dụng phương pháp nâng mũi không đau như tiền mê hay gây mê thì sau khi làm phẫu thuật có thể cảm nhận đau đầu, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn trong một số giờ đầu. Nằm nghỉ ngơi tại viện để theo dõi đến khi tỉnh hẳn là cần thiết, tập ngồi và đi lại quanh phòng là quan trọng để cơ thể thích nghi với tư thế vận động khi về. Một số thuốc giảm đau và thuốc hỗ trợ khác có thể được bác sĩ chỉ định để bạn không bị cảm giác này ngay từ khi sau mổ.

Chế độ dùng thuốc sau mổ

Cần uống thuốc đúng đơn của bác sĩ từ những ngày đầu tiên sau phẫu thuật để có kết quả tốt nhất. Nên ăn kiêng các loại đồ ăn như thịt gà, rau muống, trứng, thịt bò, đồ nếp, hải sản, đồ tanh, chất kích thích trong 1 tháng sau phẫu thuật, tuy nhiên chế độ ăn kiêng không phải là bắt buộc – trừ rượu bia.

Chống va đập vào mũi là rất quan trọng. Khách hàng cần lưu ý bảo vệ vùng mũi sau phẫu thuật như tránh va chạm vào vùng mũi và tránh đeo kính có gọng trong 3-4 tuần sau mổ. Không lắc vào sụn nhiều, đeo khẩu trang không có gọng cứng và giữ vùng băng ép từ 5-7 ngày. Rất chú ý khi chơi với trẻ em, rất cẩn thận đề phòng khi đi ngủ… vì sẽ có gnuy cơ va đập ngoài ý muốn.

Chế độ vận động mạnh, cũng nên được chú ý trong 3-4 tuần đầu sau phẫu thuật nâng mũi. Vốn dĩ sụn mũi không có điểm bám chắc chắn vào xương mũi vậy nên cần thời gian để các lớp dính chắc chắn. Nếu như vận động chạy nhảy quá mạnh, thì tác dụng của trọng lực lên vùng sụn mũi sẽ tạo ra nguy cơ tụt sụn xuống thấp hơn vị trí mong đợi.

Đối với đường khâu vùng mũi khá khó vệ sinh, khách hàng cần được hướng dẫn vệ sinh khéo léo bằng cách thấm nước muối sinh lý (dd NaCl 0,9%) vào đầu tăm bông để rửa vệ sinh sạch cho đến khi tăm bông có mài trắng. Cách này giúp làm mềm máu đông và các vảy bám vào chân chỉ đường khâu sau mổ. Khách hàng có thể sử dụng thêm nước muối sinh lý dạng xịt rửa sâu để giữ mũi sạch sẽ từ bên trong, hạn chế dịch rỉ kết dính. Sau khi rửa xong bằng nước muối, cần vệ sinh lại với povidin sát khuẩn lên đường chỉ khâu để ngăn ngừa nhiễm khuẩn vết thương.

Vết thương nâng mũi vốn dĩ không cần băng, cho nên việc giữ vệ sinh là quan trọng. Theo dõi sát tiến triển của vết thương để báo bác sĩ phẫu thuật là điều cần thiết. Cắt chỉ sau phẫu thuật nâng mũi thường được thực hiện sau mổ 10-14 ngày, đây không phải là thủ thuật cắt chỉ ngoại khoa thông thường cho nên tốt nhất bạn hãy quay lại cơ sở thẩm mỹ để cắt chỉ mũi cho chuyên nghiệp và an toàn.

Những lần kiểm tra tiếp theo định kỳ 1 tháng, 3 tháng, hoặc nếu có bất thường gì khách hàng có thể gọi điện hoặc thăm khám trực tiếp với bác sĩ.

Những lưu ý trên, góp phần cùng với bác sĩ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật là những chiếc mũi đẹp hoàn hảo nhất. Mong thông tin sẽ hữu ích với các bạn. 

Trên đây là những chia sẻ của Bác sĩ Tuynh về vấn đề Chăm sóc vết thương sau phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi.

Fanpage Facebook: Bác sĩ Phan Tuynh (https://www.facebook.com/Dr.Phantuynh)

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCGyUm2DGpejIX7gbbofoczw

Bình luận