Sudo Hoạt động chuyên môn Đăng ngày - 14/06/2019
Dưới sự phát triển của công nghệ hiện nay, ngày càng có nhiều người quan tâm và tìm đến phương pháp làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ với mong muốn cơ thể trở nên hoàn hảo hơn. Việc can thiệp phẫu thuật lên da gây ra nhiều tổn thương và có thể để lại sẹo. Vì vậy, việc chăm sóc vết thương thẩm mỹ trong quá trình hồi phục là đặc biệt quan trọng.
1. Các yếu tố nào ảnh hưởng đến vết mổ thẩm mỹ?
Khi phẫu thuật, vùng da nơi vết mổ sẽ bị tổn thương, để vết mổ thẩm mỹ nhanh lành tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Dưới đây là những yếu tố cơ bản bạn cần biết trước khi tiến hành thẩm mỹ.
- Tuổi tác:
Càng lớn tuổi, da càng trở nên mỏng hơn, kém đàn hồi, và giảm khả năng bảo vệ khỏi những thương tổn. Kết hợp với các tác động của môi trường như ánh nắng mặt trời, bụi bẩn, hóa chất sẽ làm cho vết thương chậm lành khi tuổi tác tăng lên.
- Do di truyền xu hướng sẹo:
Trong gia đình, cha mẹ hoặc anh chị em ruột bạn có xu hướng vết thương để lại sẹo nặng nề thì khả năng cao bạn cũng sẽ bị sẹo như vậy. Vì vậy, trước khi làm thẩm mỹ, bạn cần trao đổi với bác sỹ phẫu thuật để hạn chế những vấn đề xấu có thể xảy ra.
- Kích thước và độ sâu của vết mổ
Vết mổ lớn và sâu có khả năng để lại sẹo cao và mất nhiều thời gian phục hồi hơn so với vết mổ nhỏ. Trong trường hợp này, bạn cần chú ý chăm sóc vết thương đúng cách để giảm tối đa khả năng để lại sẹo nhé.
2. Cách chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật thẩm mỹ
- Trong khoảng 1 tuần đầu sau khi phẫu thuật:
Thời điểm này, bạn cần nằm nghỉ ngơi, dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Những trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ lớn cần có sự theo dõi của bác sỹ.
Sau khi xuất viện, nếu phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài, bạn cần che chắn vết mổ thật kỹ, có thể dùng những tấm gạc mỏng để hạn chế bụi và vi trùng xâm nhập vào vết mổ. Ngoài ra, bạn nên hạn chế cả các hoạt động khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi bởi trong mồ hôi chứa rất nhiều vi khuẩn, nếu không để ý, chúng sẽ dễ dàng xâm nhập vào vết mổ.
Mỗi ngày, bạn cần phải sát trùng nhẹ vết mổ bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc betadine pha loãng với nước muối, tuyệt đối không sử dụng dung dịch sát trùng quá mạnh. Để lau khô vết thương, bạn nên dùng gạc thấm nhẹ lên bề mặt da, không chà làm lệch đường chỉ khâu khiến vết mổ lâu lành.
- Tuần tiếp theo sau phẫu thuật:
Nếu là những vết mổ lớn thì bạn vẫn cần nghỉ ngơi thêm, chế độ ăn uống, dùng thuốc đều phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Với vết mổ nhỏ, bạn có thể làm những công việc nhẹ nhưng không nên làm việc nào tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
- Chế độ ăn uống
Bạn nên tránh những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao khiến vết mổ để lại sẹo xấu sau khi vết thương lành như: trứng, thực phẩm lên men (tương, mắm, dưa chua,…)
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các thực phẩm chức năng có chứa các thành phần collagen, vitamin C, đồng, kẽm để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, vết thương sẽ nhanh hồi phục.
- Loại thuốc:
Sau tuần đầu tiên, bạn có thể sử dụng thuốc bôi dạng mỡ hoặc dạng kem để làm ẩm và dịu lại vết thương. Bên cạnh đó, để hạn chế bị nhiễm trùng bạn cũng có thể dùng thuốc bôi dạng kem có chứa kháng sinh hoặc một số loại thuốc chứa các thành phần từ thiên nhiên.
3. Các sản phẩm và phương pháp giúp hỗ trợ tình trạng sẹo của bạn?
Trong vài trường hợp, vết thương không được chăm sóc tốt, bạn sẽ có khả năng cao bị sẹo. Sau đây là một số sản phẩm và phương pháp hỗ trợ quá trình điều trị sẹo.
- Sử dụng kem chống nắng
Khi vết sẹo tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì chúng sẽ càng sậm màu và khó điều trị hơn. Vì thế, bạn nên dùng những loại kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF>30. Thoa kem chống nắng lên vùng da bị sẹo để hạn chế những tác dụng không mong muốn do ánh nắng mặt trời gây ra.
- Sử dụng miếng dán Silicon
Dán miếng Silicon lên vết sẹo (tối thiểu 12h/ngày) có thể làm mờ dần sẹo và ngăn ngừa sẹo lồi. Các miếng dán silicon này thường được các bác sĩ da liễu khuyên dùng và bạn có thể mua tại các hiệu thuốc.
- Sử dụng tia laser tái tạo bề mặt da
Ở phương pháp này, bề mặt da được loại bỏ bằng laser tác động trên các collagen dưới da mà không ảnh hưởng tới các lớp trên của da.
- Tiêm collagen hoặc chất béo
Tiêm các chất làm đầy như collagen hoặc chất béo có thể giúp bạn lấp đầy sẹo lõm. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng trong thời gian nhất định.
Nếu là vết sẹo nhỏ thì bạn có thể mua các loại kem trị sẹo chứa các thành phần như lô hội, axit, vitamin có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp sản sinh tế bào mới mà vết sẹo sẽ mờ dần đi.
4. Một số lưu ý khi chăm sóc vết thương thẩm mỹ
Trước khi phẫu thuật, bạn cần cung cấp đầy đủ và chính xác các bệnh lý cùng loại thuốc đang sử dụng. Việc này giúp bác sĩ phẫu thuật đánh giá và đưa ra lời khuyên tốt nhất.
Giai đoạn sau phẫu thuật, bạn nên thực hiện đúng các yêu cầu và chỉ định của bác sỹ trong dùng thuốc và chăm sóc vết thương, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống, vì làm vậy có thể khiến các mạch máu ở dưới vết thương không cầm được máu. Máu và dịch ở vết thương liên tục chảy khiến cho miệng mao mạch không đóng lại được, vết mổ cũng sẽ lâu lành hơn.
Nếu thấy cơ thể có những biểu hiện lạ như vết thương liên tục chảy dịch vàng (dịch bình thường có màu trong suốt hoặc màu nâu) và miệng vết thương không còn khô ráo thì cần đến gặp bác sĩ phẫu thuật để được chăm sóc kịp thời vì những dấu hiệu trên là biểu hiện của nguy cơ nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống cũng cần được chú trọng, bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm giàu đạm, vitamin C và khoáng chất.. để tăng cường sức đề kháng, giúp mau lành vết thương. Một lưu ý nữa là sau phẫu thuật, bạn không nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng cao và tránh uống các loại thuốc chống viêm gia tăng sắc tố da.
Trong quá trình chăm sóc vết thương, bạn nên dùng các sản phẩm tẩy rửa nhẹ nhàng, không gây kích ứng da. Nếu phẫu thuật thẩm mỹ ở vùng mặt, tốt nhất bạn không nên chà xát khi rửa mặt, không massage hay đắp mặt nạ. Sử dụng bất cứ loại thuốc gì bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sỹ điều trị trước nhé.
Bình luận